Chiến trường lan rộng Loạn Bát vương

Hợp binh đánh Tân Hoàng Đế Tư Mã Luân

Tư Mã Quýnh phát hịch triệu tập Hà Gian vương Tư Mã Ngung, Thành Đô vương Tư Mã Dĩnh, Thường Sơn vương Tư Mã Nghệ, Tân Dã công Tư Mã Hâm cùng đánh Tư Mã Luân cướp ngôi.

Tháng 4 năm 301, Tề vương Tư Mã Quýnh hợp binh với các vương công, được hơn 50 vạn người, thanh thế rất lớn. Tư Mã Luân có hơn 20 vạn quân, chia đường chống lại nhưng không nổi. Quân của Luân nhanh chóng tan rã thua trận. Tề vương Quýnh cùng các vương công tiến vào kinh, bắt Luân và phe cánh Tôn Tú rồi sai người tới thành Kim Dung rước Huệ Đế về cung, lập lại làm vua. Tư Mã Luân cướp ngôi chỉ được 3 tháng, đến lượt bị giam ở thành Kim Dung, sau đó bị buộc tự vẫn.

Các vương có công phục ngôi đều được thăng chức, Thường Sơn vương Nghệ được đổi làm Trường Sa vương. Thái tôn Tư Mã Tân chết, Huệ Đế lập người con khác là Tư Mã Đàm làm Thái tử.

Tư Mã Quýnh một mình cầm quyền, lại có ý chuyên quyền lấn vua, rồi chơi bời không lo chính sự. Tư Mã Ngung, Tư Mã Dĩnh đều ghen tức có ý trừ đi. Nghe lời mưu sĩ, Tư Mã Ngung gian hùng viết thư sai Tư Mã Nghệ đánh Quýnh, để mượn tay Quýnh giết Nghệ, lúc đó sẽ có cớ cùng Dĩnh hợp binh đánh Quýnh, rồi phế Huệ Đế mà dựng Dĩnh làm vua.

Tam vương hỗn chiến

Nhưng Tư Mã Nghệ không phải là người tầm thường. Tháng 12 năm 302, Nghệ tự tay cầm quân giết được Tư Mã Quýnh và nắm quyền trong triều. Ông tỏ ra là người trung thành với hoàng đế và có khả năng chính trị, nhà Tấn dần có hi vọng.

Ngung và Dĩnh thấy mưu sự bất thành vì quyền lại rơi vào tay Tư Mã Nghệ, có ý tức giận. Năm 303, hai người bèn ra ngoài hợp binh làm phản, kéo về đánh Kinh thành để giết Nghệ và phế Huệ Đế. Hai bên đánh nhau ác liệt, giằng co nhiều trận. Sau cùng Nghệ yếu thế, bị tướng của Ngung là Trương Phương vây hãm. Theo kế Tổ Địch, Nghệ sai người mang thư tới Thứ sử Ung Châu Lưu Trầm, sai Trầm đánh vào Trường An là sào huyệt của Hà Gian vương Ngung.

Giữa lúc Trương Phương vây đánh lâu ngày núng thế không hạ được, định rút lui thì trong Kinh thành có biến. Đông Hải Vương Tư Mã Việt đố kỵ Tư Mã Nghệ, nói loan lên rằng Ngung và Dĩnh đánh thành không phải vì muốn hại Huệ Đế mà vì muốn giết Nghệ. Do đó trong thành theo lời Việt, bắt trói Nghệ. Huệ Đế bất lực không cứu được trung thần. Nghệ bị mang về giam ở thành Kim Dung rồi bị Trương Phương giết. Các quan ra ngoài, thấy quân vây thành của Trương Phương yếu ớt không đáng sợ, mới ân hận vì đã nghe lời Việt mà hại Nghệ. Từ đó Tư Mã Việt lại nắm quyền trong triều.

Thứ sử Ung Châu là Lưu Trầm theo lệnh Huệ Đế mang quân đánh Trường An bị thua trận, bị quân Tư Mã Ngung bắt được và bị giết.

Ngung và Dĩnh mang quân vào kinh, ép Huệ Đế phế bỏ Dương Hậu và Thái tử Đàm, lập Dĩnh làm Hoàng thái đệ. Dĩnh được làm Thái đệ sinh kiêu căng. Tư Mã Việt tức giận mang quân đánh Dĩnh. Dĩnh thua chạy về Nghiệp Thành. Việt phục ngôi cho Dương Hậu và Thái tử.

Việt nhân đà thắng trận phát hịch đi các trấn triệu tập, lại mang Huệ Đế thân chinh cùng đánh Nghiệp Thành để tận diệt Dĩnh.Việt chủ quan, tưởng quân Dĩnh tan rã, bị Dĩnh đánh úp, thua chạy, trốn về đất phong là quận Đông Hải. Huệ Đế bị Tư Mã Dĩnh bắt được, cầm giữ ở Nghiệp Thành, tướng Trần Mạch chạy về Lạc Dương phò Thái tử Đàm. Tình hình vô cùng hỗn loạn.

Châm lửa cho loạn Ngũ Hồ

Việt thua trận, bèn mời Đô đốc U châu Vương Tuấn và Thứ sử Kinh châu Tư Mã Đằng mang quân đánh Tư Mã Dĩnh. Tuấn vốn có hiềm khích với Dĩnh nên sai người liên hợp với các bộ tộc Ô Hoàn, Tiên Ty cùng đánh Dĩnh. Dĩnh bí thế, bèn triệu tướng Hung NôLưu Uyên tới giúp sức, phong Uyên làm Bắc Thiền vu.

Khi nội bộ mâu thuẫn, Dĩnh giết Đông An vương Tư Mã Do. Anh Do là Lang Nha vương Tư Mã Tuấn sợ liên lụy, bèn cùng văn thần Vương Đạo bỏ trốn về quận Lang Nha. Sau này Tuấn trở thành người lập ra nhà Đông Tấn và Vương Đạo là đại thần Đông Tấn.

Không ngờ Lưu Uyên được chức tự ý phát triển lực lượng riêng, được 20 vạn quân. Năm 304, Uyên tự xưng vương, lập ra nước Hán. Dĩnh bị Vương Tuấn và Tư Mã Đằng vây ngặt, bèn phá vây chạy về Lạc Dương. Dĩnh lại bỏ Dương Hậu và Thái tử, tự xưng Hoàng thái đệ như trước. Vương Tuấn tiến vào chiếm giữ Nghiệp Thành.

Hà Gian vương Ngung ở Trường An, nghe tin Huệ Đế về Lạc Dương, bèn sai bộ tướng Trương Phương mang quân vào Lạc Dương lấy danh nghĩa cứu giá. Phương thấy Lạc Dương bị tàn phá, không đủ lương, bèn ép mang Vua về theo Tư Mã Ngung ở Trường An. Kho tàng châu báu từ thời Tào Ngụy (Tam Quốc) tới đó bị quân Phương tranh cướp lấy hết.

Tháng 11 năm 304, Huệ Đế tới Trường An, quyền thế lọt vào tay Tư Mã Ngung và Trương Phương. Tháng 12, Ngung lấy chiếu vua phế ngôi Hoàng thái đệ của Dĩnh, lập Dự Chương vương Tư Mã Xí làm Hoàng thái đệ.

Lưu Uyên lấy danh nghĩa giúp Tư Mã Dĩnh đánh nhau với Vương Tuấn - người mang danh nghĩa giúp Tư Mã Việt, nhưng cả hai chỉ lo tranh giành đất đai phía bắc, không ngó tới tình hình ở Trường An.

Ngung - Việt giao phong

Tư Mã Việt thấy Ngung chuyên quyền, liền hợp binh với Đông Bình Vương Tư Mã Lâm, Phạm Dương Vương Tư Mã Hổ đánh Ngung.

Trong khi đó, phe Tư Mã Dĩnh thấy Dĩnh bị truất ngôi Hoàng thái đệ, bộ tướng Công Sư Phiên cũng khởi binh làm loạn. Tư Mã Việt sai Tuân Hi đi đánh không dẹp được. Cùng lúc đó, Việt lôi kéo được Lưu Dư, lại muốn tận dụng binh lực của Thứ sử Dự châu Lưu Kiều nhưng Kiều không nghe lệnh, chống lại Việt và theo phe Ngung.

Tình hình thêm rối ren, Triều đình Trường An không thể khống chế được, Tư Mã Ngung đành dùng lệnh Huệ Đế phục chức cho Tư Mã Dĩnh ở Nghiệp Thành để đốc việc quân Hà Bắc. Từ bấy giờ hình thành 2 tuyến: Tư Mã Ngung – Tư Mã Dĩnh có Lưu Kiều giúp; Tư Mã Việt – Tư Mã Hổ có Lưu Dư giúp. Việt đóng ở Tiêu Viện, chia quân cho Hổ và Dư đóng ở Hứa Xương.

Tháng 12 năm 305, Tư Mã Dĩnh nhân Lạc Dương bỏ trống, bèn từ Nghiệp Thành vào chiếm Lạc Dương. Trong khi đó, Tư Mã Ngung sai bộ tướng Trương Phương hợp binh với Lưu Kiều đánh Hứa Xương. Tư Mã Hổ và Lưu Dư thua chạy, hợp với tướng Lưu Côn về nương náu Thứ sử Ký Châu Ôn Tiễn.

Lưu Côn lại sai người liên minh với Thứ sử U Châu Vương Tuấn, sai Tuấn đánh phe Ngung-Dĩnh. Tuấn trước giao phong với Lưu Uyên, nay mang quân đánh Vinh Dương, giết bộ tướng của Dĩnh là Thạch Siêu rồi tiến đánh Lạc Dương. Tư Mã Dĩnh thất thế bỏ thành Lạc Dương chạy về Trường An với Ngung.

Tư Mã Việt thấy phe mình thắng thế, bèn tiến binh giết được con Lưu Kiều (phe Ngung) là Lưu Hựu. Kiều thua chạy về Trường An. Quân Ngung thua bại không còn đủ sức chống cự. Việt ra điều kiện với Ngung phải trả lại Huệ Đế về Lạc Dương mới bãi binh. Ngung đang bại trận, muốn nghe theo nhưng sợ bộ tướng Trương Phương hung hãn, bèn lập mưu ám sát Phương, nộp đầu cho Việt.

Tháng 6 năm 306, Việt sai Kỳ Hoằng tới Trường An lấy Huệ Đế khỏi tay Ngung, mang về Lạc Dương, phục ngôi cho Dương Hậu.

Hết thời oanh liệt

Trong khi Huệ Đế rời Trường An thì Tư Mã Dĩnh đang đi (từ Lạc Dương) chưa tới Trường An. Một số bộ tướng cũ của Dĩnh muốn dựng Dĩnh làm vua nhưng bị Tư Mã Hổ dẹp tan. Dĩnh chỉ còn trơ trọi ở Tân Hội.

Tháng 9 năm 306, Phạm Dương Vương Hổ chết. Bộ tướng Lưu Dư sợ Dĩnh gây hậu họa, bèn sai người đánh thuốc độc giết chết Dĩnh.

Tháng 11 năm 306, Tư Mã Việt đầu độc giết Huệ Đế, lập Hoàng thái đệ Tư Mã Xí – con thứ 25 Tấn Vũ Đế, em út Huệ Đế - lên ngôi, tức là Tấn Hoài Đế.

Lại sợ Ngung sinh biến, Việt dùng lệnh Hoài Đế hạ chiếu mời Ngung về triều làm Tư đồ. Ngung nghe lệnh rời Trường An về triều. Nam Dương Vương Tư Mã MôHứa Xương có thù với Ngung, sợ Ngung có quyền trong triều sẽ hại mình, bèn mang quân đón đường giết chết Ngung. Vì Ngung có nhiều tội nên Triều đình cũng không bắt tội Mô giết Ngung.

Sau các biến cố liên tiếp, mấy vương đồng loạt rời khỏi chính trường. Tư Mã Việt trở thành người nắm chính trường, làm chức Thái phó điều hành triều đình. Loạn bát vương chấm dứt.